Khi thành phố bắt đầu lên đèn, đó là lúc hai cô gái Hiền Khanh và Kiều My (sinh viên năm thứ 2, Cao đẳng Du lịch Hà Nội) bắt đầu buổi làm việc của mình với vai trò tượng mẫu “đứng làm mẫu cho người ta ngắm”, Kiều My cảm nhận về nghề một cách tự hào.
Theo Kiều My, đây là một công việc chính đáng, lịch sự, tạo được sự tự tin trong giao tiếp cũng như phô vóc dáng trước ống kính. Thêm vào đó khiếu thẩm mỹ tinh tế hơn vì ngày nào cũng được tự mình chọn những bộ đầm để khoác lên người.
Nghề làm manocanh “sống” đến với nữ sinh, đặc biệt là nữ sinh Hà Nội từ năm 2008. Cứ vài tháng, cửa hàng lại thay đổi “canh” một lần nên những ai muốn làm công việc này đều có cơ hội. Ảnh: Phan Dương.
“Bản chất của công việc không đơn thuần làm manocanh bất di, bất dịch, chẳng cười, chẳng nói. Với nghề này, bọn mình thổi hồn vào ‘canh’, làm cho nó sinh động, quyến rũ đầy sức sống. Mỗi ngày mặc một bộ váy cũng là mỗi ngày tiếp thị một sản phẩm đến với khách hàng”, Kiều My cho biết.
Hiện tại, Kiều My và Hiền Khanh đã làm được 3 tháng. Cả hai cô đều cao ráo, trắng trẻo. Lúc trang điểm và mặc bộ đồ dạ hội lên người trông hai cô nàng vô cùng bắt mắt. Trong giờ làm việc, Kiều My đứng sexy, Hiền Khanh mời gọi, có lúc lại vô tư, dịu dàng, lúc kiêu kỳ, đỏng đảnh… để truyền cảm hứng vào bộ váy đang mặc.
“Những ngày đầu mình còn xem trên ti vi cách người ta tạo mẫu. Bây giờ làm quen rồi mới thấy công việc này không yêu cầu tạo dáng nhiều mà đôi khi phải trò chuyện, cười đùa, thậm chí là nhắn tin, chơi điện tử để thu hút người ta hơn”, Hiền Khanh nói.
Cũng theo Khanh đã nhiều lần có những chiếc xe máy vụt qua cửa hàng rồi tự nhiên giật nảy mình, há miệng nhìn cô mới vỡ lẽ là người đứng làm ‘canh’. Có người còn mải nhìn quá mà ngã hay va chạm với những người đi đường khác. Đôi khi cũng đột ngột xuất hiện vài “vệ tinh” cứ lượn lờ qua lại cửa hàng chỉ để ngắm hai nàng “canh” xinh đẹp.
Nhưng người lạ nhất với độc chiêu manocanh “sống” của cửa hàng là những người nước ngoài. Vào các buổi tối, nhất là các tối cuối tuần, rất nhiều người ngoại quốc đi qua cửa hàng. Họ giật mình khi thấy những “búp bê di động” sau cửa kính. Người thì chỉ trỏ, đứng ngây người ra ngắm, người thì xin chụp ảnh. Cá biệt còn có những trường hợp mở cửa chạy vào đòi “sờ” xem có phải người thật không.
Theo Khanh, việc xuất hiện của cô và Kiều My chưa chắc đã thu hút nhiều khách hàng, tuy nhiên khâu tiếp thị sản phẩm có vẻ tốt hơn. “Đây là một cửa hàng đầm dạ hội thời trang, nếu không mặc lên người thì không còn gì là đẹp. Hơn nữa, có manơcanh ‘sống’ làm mẫu sẽ là một nét riêng đặc biệt, rẻ tiền để khách hàng nhớ tới cửa hàng”.
Mỗi ngày, “đôi bạn cùng tiến” làm mẫu trong hai giờ và được trả từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng. “Mức lương này không phải là cao nhưng công việc nhàn, lịch sự và vì thế bố mẹ chúng mình hoàn toàn đồng ý. Nhờ có nó, mình tự lập hơn, không còn phải xin tiền bố mẹ cho những khoản chi tiêu nữa” Khanh nói.
Anh Hải, chủ cửa hàng cho biết từ năm 2008, anh đã thuê sinh viên đứng làm manocanh. Thời gian đầu chỉ có một người với lương gần triệu đồng. Nhưng sau thấy một người có vẻ đơn điệu, lạc lõng, chưa thực sự tạo ra điểm nhấn nên thuê thêm một “canh sống” nữa.
“Vợ chồng tôi còn trẻ, chưa có nhiều vốn để quảng cáo rộng rãi. Cho nên chỉ có thể sử dụng hình thức này để tạo phong cách cho cửa hàng”, anh Hải nói.
Trước cửa hàng này, người Hà Nội đã từng biết đến những manơcanh “sống” đứng đường tiếp thị mẫu quần áo mới ở con phố vải Phùng Khắc Hoan nhưng những người này làm cả ngày, vất vả và đôi khi mất đi vẻ xinh đẹp của “canh”.
Cứ vài tháng cửa hàng của anh Hải lại thay người mẫu một lần. “Cho dù các bạn ấy xinh đẹp, làm việc tốt nhưng chúng tôi phải thay đổi giống như thay đổi bộ mặt mới cho cửa hàng, như vậy sẽ có cả những người dáng chuẩn, xinh xắn hoặc lại có những người đậm, khuôn mặt khóc cạnh. Làm mới mình là nguyên tắc hàng đầu trong việc sử dụng manơcanh “sống”’, chủ cửa hàng cho biết thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét